TUYẾN DU LỊCH TÂM LINH DI TÍCH NHÀ TRẦN

Bạn đánh giá: 3 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

TUYẾN DU LỊCH TÂM LINH DI TÍCH NHÀ TRẦN

Trung tâm thị xã Đông Triều – Chùa Quỳnh Lâm – Đền An Sinh – Đền Thái – Chùa Am Ngọa Vân – Chùa Hồ Thiên

 

I. ĐẶC ĐIỂM
1. Tên tuyến du lịch:
- Tên Tiếng Việt: “Tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần”: Trung tâm thị xã Đông Triều - Chùa Quỳnh Lâm - Đền An Sinh - Đền Thái - Chùa Am Ngọa Vân - Chùa Hồ Thiên.
- Tên Tiếng Anh: Tourist route Đong Trieu town - Quynh Lam pagoda - An Sinh temple - Thai temple - Ngoa Van pagoda - Ho Thien pagoda.
2. Vị trí:
- Chùa Quỳnh Lâm thuộc xã Tràng An, thị xã Đông Triều;
- Đền An Sinh, đền Thái thuộc xã An Sinh, thị xã Đông Triều;
- Chùa Am Ngọa Vân thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều;
- Chùa Hồ Thiên thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều.
3. Cấp hạng đề nghị: Tuyến du lịch địa phương.
II. TIỀM NĂNG DU LỊCH
1. Tiềm năng phát triển du lịch:
Đây là tuyến du lịch tâm linh đến với các điểm di tích nhà Trần trên đất Đông Triều. Cung đường đi xuất phát từ trung tâm thị xã Đông Triều đến chùa Quỳnh Lâm khoảng 5km, đường bê tông rộng rãi, mất khoảng 8 phút di chuyển bằng ô tô.


Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông, do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Thời Trần, năm 1317, Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo tài năng lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Quỳnh Lâm thành một tự viện lớn và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn như vận động tăng nhân, phật tử trích máu để in 5000 cuốn kinh Đại tạng và lưu giữ tại Quỳnh Lâm năm 1319; tổ chức lễ hội nghìn tượng Phật. Năm 1328, Pháp Loa lại cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (khoảng 4,28m). Ngoài ra, Quỳnh Lâm cũng là nơi Pháp Loa giảng hội kinh Hoa Nghiêm. Các vua Trần, các vương hầu, quý tộc nhà Trần cũng thường xuyên lui tới. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (cháu nội của Trần Hưng Đạo) còn cùng các nhà thơ Nguyễn Xưởng, Nguyễn Úc … lập ở Quỳnh Lâm “Bích động thi xã” để ngày ngày tới chùa làm thơ ngâm vịnh. Văn bia ở chùa chùa ghi: vào đời Trần Minh Tông (1329) Quỳnh Lâm trở thành “đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”.
Trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều lần bị thiên tai và hỏa hoạn nên những cơ sở vật chất đồ sộ được xây dựng ở thời Trần và sự tôn tạo ở các thời sau chỉ còn lại dấu tích.
Năm 1997, Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Đông Triều đã huy động các nguồn lực, tổ chức trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm. Các công trình hiện nay gồm Cung Trúc Lâm, Gác Chuông, Nhà bia được xây dựng trong đợt trùng tu này.
Ngày 19/11/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định phê duyệt Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 15/01/2016 âm lịch.
Ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm, hội chùa Quỳnh Lâm được tổ chức rất long trọng như là một nét văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương nói để cầu cho mưa thuận gió hòa mùa mang bội thu quốc thái dân an và cung là cách tốt nhất lưu giữ những nét đẹp tâm linh cho giới trẻ

Rời chùa Quỳnh Lâm, mất khoảng 3 phút di chuyển bằng ô tô trên con đường bê tông rộng 9m, du khách sẽ đến với đền An Sinh.
Đền An Sinh được xây dựng vào thời Trần (năm 1381), là nơi thờ 8 vị vua nhà Trần có lăng mộ tại vùng đất An Sinh - Đông Triều.
Từ năm 1958 - 1975, khu vực điện An Sinh trở thành Trường học sinh miền nam - nơi đào tạo hàng nghìn con em nhân dân miền Nam trong gần 20 năm, góp phần đào tạo những hạt giống đỏ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp cách mạng ở miền Nam.


Đền An Sinh cũng như toàn bộ khu lăng miếu các vua Trần trên đất An Sinh là những công trình văn hóa tín ngưỡng mang đậm yếu tốt lịch sử của thờ đại. Các công trình này không chỉ được chính triều Trần quan tâm tu bổ mà các triều đại sau: Lê, Nguyễn đều rất quan tâm. Qua các văn bia còn lưu giữ tại đây cho thấy đền An Sinh đã được trùng tu nhiều lần vào các năm: Thiên Hựu 1557; Chính Hòa 1689; Cảnh Hưng 1767; Minh Mạng 1840; Bảo Đại 1927. Mỗi lần trung tu đều cho khắc bia đá ghi nhận công đức và khắc các lệnh chỉ của triều đình lệnh cho nhân dân An Sinh được trông coi khu lăng miếu các vua Trần và được miễn trừ mọi khoản binh dịch, thuế khóa.

Đền An Sinh được kiến trúc theo lối kiến trúc cũ - kiểu chữ Công bao gồm 03 toà: Tiền đường, trung đường - hay còn gọi là bái đường và hậu cung, Hai bên là 2 dãy tả vu, hữu vu. Một bên là nhà khách nơi có đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một bên là nhà trưng bày di sản văn hóa nhà Trần tại Đông Triều để quý vị có thể tham quan và chiêm ngưỡng.
Trải qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn đều quan tâm, trùng tu tôn tạo, qua thời gian các công trình kiến trúc đều đã bị phá hủy. Từ năm 1997 - 2000, được sự quan tâm của nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều đã huy động công đức tu bổ, tôn tạo lại đền An Sinh trên khu vực nền đền cũ.
Ngày 20/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày khai hội đền An Sinh, lễ hội diễn ra trong 3 ngày thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.
Đền An Sinh hiện là nơi có điều kiện hạ tầng tốt nhất để đón tiếp và giới thiệu về tổng thể Khu di tích lịch sử nhà Trần cũng như tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đền An Sinh sẽ là Trung tâm đón tiếp, giới thiệu quảng bá và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều.



Hành trình tiếp theo trong chuyến du lịch du khách sẽ đến thăm đền Thái. Đền Thái cách đền An Sinh khoảng 3km về phía đông. Tương truyền đền Thái là nơi thờ Tam thánh tổ Phật. Quy mô của đền rất lớn, gồm nhiều công trình tạo thành một quần thể kiến trúc gồm hệ thống nhà cửa, hành lang, sân vườn hoàn chỉnh. Nhà cửa ở đây là những kiến trúc gỗ lớn, mái lợp ngói cánh sen, các công trình này kết nối liên hoàn thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh.
Ngay từ khi mới xây dựng, đền Thái đã có quy mô lớn và càng ngày càng được mở rộng. Qua kết quả khảo cổ đây là một công trình có kiến trúc độc đáo, vẫn còn nguyên vẹn dấu tích ẩn dưới nền đất. Tuy nhiên các công trình kiến trúc trên mặt đất của đền Thái được xây dựng dưới thời Trần đã bị phá hủy hoàn toàn.
Tại đền Thái, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại hình di vật trong đó đáng kể nhất là chậu gốm hoa nâu. Đây là chậu gốm hoa nâu đẹp và lớn nhất của thời Trần được biết cho đến nay, với đường kính 92,7cm; cao 44,1cm, thân chậu trang trí hình sen dây lá và đặc biệt là trang trí 8 con rồng. Với các trang trí tinh xảo, đặc biệt là 8 con rồng được vẽ trên thân chậu cho thấy, đây là đồ vật của Hoàng gia nhà Trần. Việc tìm thấy chậu gốm hoa nâu lớn có vẽ rồng ở Đền Thái càng chứng tỏ Đền Thái là một công trình kiến trúc có liên quan chặt chẽ đến hoàng gia nhà Trần. Chậu gốm này đã được phục nguyên và hiện đang được bảo quản, trưng bày tại Nhà trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều tại đền An Sinh.
Với tư cách là Tổ miếu hay Thái miếu của nhà Trần ở quê gốc An Sinh, đền Thái được đánh giá là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lăng tẩm đền miếu và chùa tháp của nhà Trần tại Đông Triều vì vậy UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Tôn tạo di tích đền Thái thuộc khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Ngày 13/9/2014 UBND thị xã Đông Triều, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Lễ khởi công tôn tạo di tích đền Thái, công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2015.

Rời đền Thái du khách tiếp tục hành trình đi thăm chùa am Ngọa Vân. Chùa am Ngọa Vân là một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền phái trúc lâm. Am Ngọa Vân là nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Bởi thế, Ngọa Vân là Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm
Tháng 8 năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Khi lên tu tại am Tử Tiêu trên ngọn núi Tử Tiêu Ngài xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dậy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ lên tu tại một am trên ngọn núi Ngọa Vân, am nơi Trúc Lâm Đại Sĩ tu hành được gọi là Am Ngọa Vân. Tháng 11 năm 1308, Ngài an nhiên nhập niết bàn tại am Ngọa Vân.

Sau khi Phật hoàng hóa Phật, Pháp Loa – Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm tổ chức hỏa thiêu Phật hoàng ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ và ngọc cốt. Một phần xá lị được tôn trí trong Phật hoàng tháp tại am Ngọa Vân, số còn lại được đưa đi tôn trí ở nhiều nơi như Đức Lăng (Thái Bình), tháp Phổ Minh (Nam Định). Tại Ngọa Vân hiện vẫn còn tháp Phật hoàng, nơi lưu giữ xá lị của ngài. Cùng với đó, nhờ sự giúp đỡ của vua Trần Anh Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa đã xây dựng mở rộng thánh địa Ngọa Vân thành một quần thể chùa tháp lớn. Cũng từ đây Ngọa Vân được xây dựng mở rộng thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Việc trùng tu, tôn tạo di tích Ngọa Vân đã và đang được UBND tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều xác định là nhiệm vụ trọng tâm. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Đầu tư tôn tạo di tích chùa Ngọa Vân thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Công trình đã được khởi công xây dựng vào ngày 19/02/2014 và dự kiến sẽ khánh thành vào đầu năm 2016 âm lịch.


Kết thúc chuyến hành trình du khách sẽ đi thăm chùa Hồ Thiên. Chùa Hồ Thiên được Pháp Loa – Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng vào năm 1327. Tương truyền, Hồ Thiên là nơi các vị cao tăng tu luyện sau khi hoàn thành suất sắc khóa học tại Quỳnh Lâm viện. Việc chùa có tên là Hồ Thiên là vì truyền thuyết cho rằng trên đỉnh núi có hồ nước (hồ trên trời), trên đó hàng năm có đôi hạc trắng thường xuyên bay về với câu ca: “Hoa sen lúc nở lúc tàn, đôi chim hạc trắng thanh nhàn tiêu dao”. Thực tế, trên núi không có hồ nước mà chữ Hồ Thiên ở đây là nhằm chỉ nơi cảnh phật cõi tiên, điều đó có nghĩa chùa đươc xây dựng ở nơi cảnh phật, cõi tiên.


Dưới thời Lê Trung Hưng, cùng với các chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, chùa Hồ Thiên được triều đình nhà Lê cho đại trùng tu, tôn tạo. Để xây dựng lại chùa có qui mô to lớn như dấu vết hiện còn, triều đình đã huy động sức dân ở 5 huyện Giáp Sơn, Thủy Đường, Đông Triều, Kim Thành và Thanh Hà. Trong lần đại tu này, các công trình đã được xây mới gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
Trải qua thời gian, Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ đã bị sập đổ nhưng nền móng còn khá đầy đủ.
Trong những năm gần đây, một số công trình như nhà bia, tháp đã được trùng tu. Các công trình chùa chính, nhà tăng, nhà tổ cũng đang được triển khai việc trùng tu. Du khách đến đây sẽ không chỉ được lễ Phật mà còn được hòa mình trong không gian chốn cảnh Phật, cõi tiên.

2. Sản phẩm và dịch vụ trên tuyến
- An ninh, môi trường:
+ Công tác an ninh: Tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục, kịp thời xử lý những vi phạm, những phản ánh của khách du lịch trong hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra hiện tượng xem bói, xóc thẻ, mê tín dị đoan tại các điểm du lịch.
+ Công tác vệ sinh môi trường: Được tăng cường, thực hiện thu gom rác thải thường xuyên liên tục trên dọc tuyến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh môi trường đến người dân và du khách hành hương được thường xuyên, liên tục duy trì tốt.
- Có hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc, phòng chống cháy nổ đảm bảo phục vụ nhân dân và khách du lịch.
- Khuyến cáo đối với khách du lịch: nên sử dụng trang phục gọn gàng, kín đáo, nên trang bị cho mình giày đế thấp để phù hợp cho việc leo núi.
Từ thực tế trên, “tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần”: Trung tâm thị xã Đông Triều - Chùa Quỳnh Lâm - Đền An Sinh - Đền Thái - Chùa Am Ngọa Vân - Chùa Hồ Thiên có đủ tiêu chí của tuyến du lịch địa phương: nối các điểm du lịch trong phạm vi địa phương; có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến. Đồng thời để công tác quản lý, đầu tư nâng cấp thường xuyên đi vào nề nếp cũng như đảm bảo môi trường, an ninh trật tự và an toàn cho du khách, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan. Kính đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận “tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần”: Trung tâm thị xã Đông Triều - Chùa Quỳnh Lâm - Đền An Sinh - Đền Thái - Chùa Am Ngọa Vân - Chùa Hồ Thiên là tuyến du lịch địa phương./.

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Please publish modules in offcanvas position.