ĐIỂM DU LỊCH CHÙA QUỲNH LÂM

Bạn đánh giá: 1 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

I. ĐẶC ĐIỂM :
1. Tên điểm du lịch :
Tên tiếng Việt: Điểm du lịch chùa Quỳnh Lâm
Tên tiếng Anh: Quynh Lam Pagoda
2. Vị trí: xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
3. Cấp hạng đề nghị: Điểm du lịch địa phương.
II. TIỀM NĂNG DU LỊCH CỦA CHÙA QUỲNH LÂM
1. Đặc điểm tự nhiên:
- Vị trí địa lý: Chùa Quỳnh Lâm nằm giữa hai thôn Yên Sinh và Hà Lôi, xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
- Diện tích: 8,55 ha.
- Đơn vị quản lý: UBND xã Tràng An.
- Đặc điểm tự nhiên: Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải gọi là núi Tiên Du. Núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử, Ngọa Vân xuống đồng bằng, trên một khu đất đắc địa về phong thủy: Tả có Thanh Long, Hữu có Bạch Hổ (Bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng), trước có hồ nước mang ý nghĩa tụ thủy, tụ linh, tụ phúc; phía bắc chùa là một bến sông to, phía Tây có dòng sông to uốn lượn. Bốn góc chùa có bốn gò đất cao được coi là “Bốn mắt Rồng” tứ trấn xuyên thấu tâm sinh, hội tụ linh khí cho chùa.

 

2. Đặc điểm lịch sử :
Chùa được xây dựng vào thời Lý Thần Tông, do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Thời Trần, năm 1317, Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo tài năng lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Quỳnh Lâm thành một tự viện lớn và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn.
Vào thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã đúc ở đây một pho tượng Di Lặc bằng đồng rất lớn, tượng cao 6 trượng (khoảng 20m), được mệnh danh là một trong “An Nam tứ đại khí” lúc bấy giờ. Pho tượng này đặt trong tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23m) nên người đi đường đứng ở bến An Lâm (bến Triều ngày nay) còn nhìn rõ nóc điện.
Thời Trần, chùa Quỳnh Lâm được xây dựng khang trang trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Đặc biệt thời kỳ Pháp Loa (tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) làm chủ giáo hội Phật giáo. Năm 1317, ông cho mở mang và xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Bấy giờ, Quỳnh Lâm không đơn thuần là một ngôi chùa thờ Phật mà đã trở thành một tự viện lớn có khu học đường, thư viện… Đồng thời, đây còn là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn như vận động tăng nhân, phật tử trích máu để in 5000 cuốn kinh Đại tạng và lưu giữ tại Quỳnh Lâm năm 1319; tổ chức lễ hội nghìn tượng Phật. Năm 1328, Pháp Loa lại cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (khoảng 4,28m). Ngoài ra, Quỳnh Lâm cũng là nơi Pháp Loa giảng hội kinh Hoa Nghiêm. Các vua Trần, các vương hầu, quý tộc nhà Trần cũng thường xuyên lui tới. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (cháu nội của Trần Hưng Đạo) còn cùng các nhà thơ Nguyễn Xưởng, Nguyễn Úc … lập ở Quỳnh Lâm “Bích động thi xã” để ngày ngày tới chùa làm thơ ngâm vịnh. Văn bia ở chùa chùa ghi: vào đời Trần Minh Tông (1329) Quỳnh Lâm trở thành “đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”.
Đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta, chùa đã bị phá hủy gần hết. Sau này chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo lại.
Dưới thời Lê, thiền sư Chân Nguyên người phục hưng Thiền phái Trúc Lâm đã cho tôn tạo và xây dựng lại Quỳnh Lâm.
Đến thời Lê Trung Hưng, triều đình và trực tiếp là chúa Trịnh đã cấp tiền và huy động dân thuộc ba huyện Đông Triều, Chí Linh và Thuỷ Đường tham gia xây dựng chùa. Việc trùng tu tôn tạo kéo dài hơn 10 năm, tiêu tốn nhiều tiền của, vật lực nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành thì xảy ra các cuộc nổi dậy của dân trong vùng nên dừng lại. Tuy nhiên đợt trùng tu này đã làm cho chùa rất lộng lẫy, khang trang, rộng lớn.
Năm 1820, sau một thời gian dài tồn tại, triều đình nhà Nguyễn đã cho trùng tu, tôn tạo lại chùa.
Vào cuối năm 1910, do sơ suất chùa bị cháy lớn, trận cháy xảy ra vào lúc nửa đêm, chùa lại ở xa làng nên lúc mọi người đến cứu thì đã muộn. Lửa cháy đã thiêu hủy hết nhà cửa, tượng đài, gác chuông, gác trống….
Sau hỏa hoạn nhân dân thập phương lại quyên góp tiền của tu sửa lại, nhưng đến năm 1947, thực dân Pháp ném bom phá huỷ hoàn toàn ngôi chùa.
3. Tiềm năng du lịch :
Chùa Quỳnh Lâm là một trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ)
Trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều lần bị thiên tai và hỏa hoạn nên những cơ sở vật chất đồ sộ được xây dựng ở thời Trần và sự tôn tạo ở các thời sau chỉ còn lại dấu tích.
Năm 1997, Thị ủy – HĐND – UBND thị xã Đông Triều đã huy động các nguồn lực, tổ chức trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm. Các công trình hiện nay gồm Cung Trúc Lâm, Gác Chuông, Nhà bia được xây dựng trong đợt trùng tu này.
Ngày 19/11/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định phê duyệt Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 15/01/2016 âm lịch.
Ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm, hội chùa Quỳnh Lâm được tổ chức rất long trọng như là một nét văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương nói để cầu cho mưa thuận gió hòa mùa mang bội thu quốc thái dân an và cung là cách tốt nhất lưu giữ những nét đẹp tâm linh cho giới trẻ
4. Các loại hình dịch vụ
- Đường giao thông đến điểm du lịch: Cung đường xuất phát từ trung tâm thị xã Đông Triều đến Chùa Quỳnh Lâm khoảng 5km, mất khoảng 8 phút di chuyển bằng ô tô. Tuyến đường được bê tông hóa, hai bên đường có hệ thống điện chiếu sáng thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân địa phương và khách du lịch.
- Bãi đỗ xe: có 01 bãi đỗ xe ở sân ngoài cổng chùa với diện tích khoảng 0,2ha.
- Vệ sinh công cộng: có 02 nhà vệ sinh dành riêng cho nam và nữ đảm bảo phục vụ khách du lịch.
- Phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, thông tin liên lạc: Có hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, thông tin liên lạc đảm bảo phục vụ khách du lịch.
- Khuyến cáo đối với khách du lịch: nên sử dụng trang phục gọn gàng, kín đáo.


5. An ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường:
- Công tác an ninh: Có phương án đảm bảo an ninh an toàn cho du khách và người dân đến tham quan, chiêm bái. Kiên quyết ngăn chặn không để xảy ra tình trạng xem bói, xóc thẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác tại chùa Quỳnh Lâm.
- Công tác vệ sinh môi trường: Thực hiện dọn vệ sinh hàng ngày. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh môi trường đến người dân và du khách.
6. Lượng khách du lịch đến chùa Quỳnh Lâm:

  ĐVT Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015
Tổng Lượt khách 20.300 22.000 21.500 22.500


Từ thực tế trên, điểm du lịch chùa Quỳnh Lâm có đủ tiêu chí của điểm du lịch địa phương: là điểm tham quan hấp dẫn du khách và có kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ trên 10.000 lượt khách hằng năm; đồng thời để công tác quản lý, đầu tư nâng cấp thường xuyên đi vào nề nếp cũng như đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, và an toàn cho du khách, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan tại chùa Quỳnh Lâm.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Please publish modules in offcanvas position.