Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững

Bạn đánh giá: 0 / 5

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 Thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh có chiều hướng phát triển mạnh, bước đầu mang lại lợi ích cho người dân. Để loại hình du lịch này phát triển lâu bền, cần nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, những giá trị vật chất và văn hóa truyền thống mà địa phương đang lưu giữ.

Người dân Yên Đức biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch tại làng quê Yên Đức, Đông Triều. Ảnh: TL

Người dân Yên Đức biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch tại làng quê Yên Đức, Đông Triều. Ảnh: TL

Lợi ích từ du lịch cộng đồng

So với nhiều địa phương trong nước, mô hình du lịch cộng đồng của Quảng Ninh ra đời muộn hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình du lịch này thời gian qua đã đem lại một luồng sinh khí mới những vùng quê, biên giới, hải đảo xa xôi của tỉnh. Sau thành công của mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên là HTX dịch vụ du lịch chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, tạo việc làm cho ngư dân vùng biển, phải kể đến mô hình du lịch cộng đồng làng quê Yên Đức, Đông Triều. Mô hình du lịch cộng đồng này được đánh giá cao bởi những tác động của du lịch làm thay đổi diện mạo một vùng quê theo chiều hướng tích cực. Yên Đức là một làng quê thuần nông, bốn bề chỉ có rau và lúa, người nông dân quanh năm chỉ biết làm ruộng, chân lấm, tay bùn. Năm 2011, khi Công ty CP Du thuyền Đông Dương đầu tư phát triển du lịch nơi này, cuộc sống của nhiều người dân nơi đây đã hoàn toàn thay đổi, vì được tạo việc làm, có thêm thu nhập và đặc biệt biết thêm nghề mới đó là làm hướng dẫn viên du lịch.

Chị Dương Thị Mến, quản lý Trung tâm Du lịch làng quê Yên Đức cho biết, lúc đầu, nhiều người trong thôn khi được Công ty đề nghị chuyển nhượng cái ao thả bèo lẫn với cá tạp, họ còn tỏ ra hoài nghi... Bây giờ thì chính vợ chồng của ông chủ cái ao bèo đấy đã là hướng dẫn viên du lịch cho khách vào tham quan tại gia đình mình. Hiện mô hình du lịch làng quê Yên Đức với 100% hướng dẫn viên là bà con nông dân địa phương. Mỗi ngày, làng quê Yên Đức đón trung bình khoảng từ 300-500 du khách, chủ yếu là khách Âu. “Hướng dẫn viên” du lịch ở đây, có thể đang lội ruộng trồng rau, cấy lúa nhưng khi cần là lên bờ nói chuyện với khách bằng tiếng Anh một cách trơn tru… Không những thế, họ còn có thể làm giáo viên cầm tay hướng dẫn du khách xuống ao bắt cá, xay lúa, giã gạo, đan lát... Điều đáng nói, từ khi thôn Yên Đức phát triển du lịch, ý thức người dân được nâng lên rất nhiều, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp hơn.

Sau các mô hình du lịch cộng đồng thành công ở Vịnh Hạ Long, làng quê Yên Đức, TX Quảng Yên, hiện nay, một số xã trên các tuyến đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng (Vân Đồn), Đồng Tiến, Thanh Lân (Cô Tô), Vĩnh Thực (TP Móng Cái) cũng đang tập trung phát triển mô hình này. Du lịch cộng đồng ở các địa phương trên tuyến đảo vẫn còn manh mún, mang tính tự phát nhưng bước đầu cũng nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của chính quyền địa phương và du khách. Anh Vũ Văn Hữu, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô chia sẻ, những năm trước, gia đình anh làm nông nghiệp, sau đó mới chuyển sang làm du lịch homestay. Sau một năm làm du lịch, anh thấy kinh tế của gia đình hơn hẳn. Hiện tại, ngoài kinh doanh cơ sở lưu trú, gia đình anh còn phát triển thêm các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp... Du lịch cộng đồng ở đây chủ yếu kết hợp giữa việc tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân.

Để phát triển bền vững

Lợi ích từ du lịch cộng đồng là không thể phủ nhận. Việc đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng sẽ làm phong phú thêm các tour, tuyến gắn với thiên nhiên, gắn với cộng đồng, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách, tạo sự bền vững trong phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy vậy, có những nơi du lịch cộng đồng bị phá sản, điểm du lịch không hấp dẫn du khách, những nét đặc sắc của văn hóa bản địa bị mai một, thương mại hóa, nhà cửa xây dựng xong bị bỏ hoang, cộng đồng mất sinh kế… Thậm chí có những nơi, người dân tay trắng vì phát triển du lịch cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần do bà con phá vỡ cam kết với đơn vị lữ hành, một số đơn vị lữ hành không lường trước được sự phát triển của sản phẩm, khuyến khích bà con vay tiền để sửa nhà, đầu tư thiết bị… Bên cạnh đó, có những địa phương đầu tư cho du lịch cộng đồng nhưng thiếu bài bản, manh mún, không đến nơi đến chốn, chưa có sự gắn kết của chính quyền và doanh nghiệp làm du lịch nên chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Điều đó cho thấy, muốn du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch thì cần quan tâm hơn đến lợi ích của người dân. Nếu người dân không nhận thấy được lợi ích của mình trong đó, họ sẽ không giữ gìn, bảo vệ môi trường và các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ người dân các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao ý thức, chất lượng nguồn nhân lực cho người dân địa phương.

Theo các chuyên gia du lịch, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc văn hóa bản địa, phải định hướng giá trị đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Trong đó cần chú trọng 3 yếu tố: Môi trường, sản phẩm du lịch; chất lượng, kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ; sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, các ngành, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi.

 

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Please publish modules in offcanvas position.