Đền Sinh- Điểm nhấn trong khu di tích nhà Trần

Bạn đánh giá: 0 / 5

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Đông Triều là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hoá của các thời kỳ lịch sử, song nổi bật nhất là hệ thống các Di tích lăng mộ, đền, miếu, chùa, tháp thời Trần với kiến trúc độc đáo. Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là một trung tâm văn hoá-tâm linh tiêu biểu và đặc sắc, duy nhất, lớn nhất của triều đại nhà Trần.

Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2015

Nằm trong hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều có một ngôi đền được coi là một trong số những công trình tín ngưỡng linh thiêng ở Quảng Ninh; đó là Đền An Sinh, nơi thờ các vị hoàng đế nhà Trần...
Đã thành truyền thống, hàng năm Lễ hội Đền An Sinh và khu Lăng mộ các vua Trần được tổ chức trong 3 ngày (20, 21 và 22/8 âm lịch tại khu vực Đền An Sinh, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Lễ hội là dịp để mọi người về vùng đất thiêng này để tìm hiểu thêm công lao to lớn của các vua Trần- một triều đại hiển hách chiến công trong chống giặc ngoại xâm, vua tôi đoàn kết một lòng, bảo vệ giữ gìn non sông Đại Việt. Đây cũng là dịp để mọi người tìm hiểu thêm giá trị lịch sử văn hóa của Đền An Sinh, nơi thờ tự 8 vị vua Trần và khu lăng mộ các vua Trần, qua đó thêm tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống và hào khí Đông A trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thể hiện sâu sắc đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.
Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Phía sau Đền là lăng miếu các vị vua nhà Trần.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Tháng 6 (năm 1381), rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Đây chính là sự kiện đánh dấu cho việc xây dựng một số công trình thờ tự tại An Sinh, trong đó có Điện An Sinh. Theo nội dung văn bia tại Đền An Sinh (do ông Hoàng Giáp, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm và dịch tại Thông báo Hán Nôm năm 2002) thì Ngũ vị hoàng đế triều Trần được thờ tại Điện An Sinh gồm có: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế, Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Trong đó, đáng chú ý là có một nhân vật dù chưa nắm giữ ngôi vị lần nào nhưng được tôn làm hoàng đế, đó là Trần Liễu (An Sinh vương), anh trai của vị vua đầu tiên của triều Trần là Trần Thái Tông, với hiệu Khâm minh thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Vùng đất An Sinh xưa chính là ấp thang mộc đầu tiên tại vùng đất Đông Triều mà vua Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu.
Theo văn bia và lệnh chỉ tại Đền An Sinh thì tên Điện An Sinh được nhắc đến sớm nhất trong bia ký là năm Chính Hoà 11 (1690), bia có tên Trần triều bi ký, bia này được khắc lại vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nội dung ghi lại ngự vị các vua Trần an táng tại An Sinh; bia Trùng tu tự bi ký năm thứ 7 (1711) có nhắc đến việc phân công người của chúa Trịnh để trông nom Điện An Sinh. Như vậy, có thể thấy Điện An Sinh, nơi thờ ngũ vị hoàng đế nhà Trần, tồn tại ít nhất đến thời Lê và sau đó được xây dựng lại để thờ Bát vị hoàng đế triều Trần ở thời Nguyễn.
Cùng với việc thờ ngũ vị hoàng đế thì tại Điện An Sinh còn có miếu thờ công chúa Linh Xuân của nước Ai Lao. Công chúa là người tài đức vẹn toàn nên đã được triều đình nhà Trần và nhân dân lập miếu thờ. Bia Thừa lập hậu thần bi ký dựng năm Cảnh Hưng thứ 28 năm 1767 có ghi nội dung trùng tu Điện An Sinh và miếu công chúa Ai Lao - Linh Xuân. Hệ thống văn bia này hiện vẫn còn được lưu giữ tại đền An Sinh.
Theo tư liệu khảo sát thực địa về điện An Sinh của Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ Trung ương tháng 6 năm 1968 thì Điện An Sinh có một thời gian được sử dụng làm trường học cho học sinh miền Nam. Khu này vốn là một vùng bãi rộng, sau ngày hòa bình, Bộ giáo dục cho dựng nhiều nhà gạch để lập trường học cho những học sinh từ miền Nam ra tập kết.
Vào thời Nguyễn, Điện được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”. Lúc này trong Đền thờ không chỉ 5 vị mà là 8 vị hoàng đế triều Trần. Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi Đền ở. Ngoài ra, bên cạnh Đền có hai miếu nhỏ, một thờ Bà Hoàng và một thờ Đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề “Hạ mã” và “Tiêu diệc”. Theo Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ, năm Bảo Đại thứ 17 (1944) thì quy chế Điện An Sinh được chia làm “ba toà với ba cấp nền khác nhau. Toà trong cùng nền dài 3 trượng (9,9m); rộng 2 trượng 2 (7,2m); toà giữa nền dài 2 trượng (6,6m) và toà ngoài cùng có nền dài 3 trượng 5 (11,55m); rộng 2 trượng (6,6m); xung quanh điện có hai lớp tường đất bao, hai lớp tường cách nhau 2 trượng (6,6m); tường đất phía ngoài giáp lăng Tư Phúc ở phía đông bắc có chiều dài 15 trượng (49,5m).
Đền An Sinh là nơi tri ân công đức các vị vua họ Trần đã làm rạng danh non sông đất nước nên trải qua các thời kỳ lịch sử đều được triều đình chú trọng đầu tư tôn tạo và cắt cử nhân dân địa phương trông coi, thờ phụng. Đền An Sinh cũng như toàn bộ khu lăng miếu các vua Trần trên đất An Sinh là những công trình văn hóa tín ngưỡng mang đậm yếu tố lịch sử của thời đại. Các công trình này không chỉ được chính triều Trần quan tâm tu bổ mà các triều đại sau như Triều Lê, Triều Nguyễn đều rất quan tâm.
Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, khu di tích lịch sử - văn hoá này đã bị xuống cấp. Nhận thức sâu sắc giá trị lịch sử văn hóa tinh thần của di tích Đền An Sinh và khu lăng mộ các vua Trần, các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành xây dựng lại Đền Sinh và khu Lăng mộ các vua Trần. Dự án tôn tạo, xây dựng được sự hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, tín đồ phật tử gần xa nên tiến hành rất thuận lợi. Công trình được khởi công vào ngày 20/11/1997, tức ngày 21/10 năm Đinh Sửu. Sau gần 3 năm khẩn trương xây dựng, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành vào ngày 17/9/2000, tức ngày 20/8 năm Canh Thìn- ngày truyền thống của vương triều Trần. Công trình gồm 3 toà: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công và giữ nguyên các chi tiết đặc trưng truyền thống của kiểu dáng đền chùa Việt Nam. Phía trong toà chính điện, hậu cung là nơi đặt tượng thờ tám vị vua Trần, gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định; toà trung cung đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo; tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí....Đền An Sinh toạ lạc trên một mặt bằng khá rộng rãi, khoảng 11ha đất đồi, liền kề là 10ha mặt nước. Đây là khu di tích thiêng liêng có non bình thuỷ tạ. Phía Bắc tựa vào dãy Yên Tử, mặt nhìn ra phía Nam hướng biển Đông có dãy núi Kính Chủ và núi Yên Phụ như một bức án thư. Khu vực trong và xung quanh đền được trồng rất nhiều cây lâu năm làm cho cảnh quan ngôi đền thêm cổ kính. Trong đó, nổi bật có 14 cây đại, tượng trưng cho 14 đời vua nhà Trần; 8 cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của 8 vị vua được thờ tự tại đây; 175 cây hoa sữa vừa cho bóng mát, hương thơm mang ý nghĩa tôn vinh 175 năm trị vì của triều Trần… Phía ngoài là rừng vải thiều trải rộng khắp vùng đồi núi phía Bắc huyện Đông Triều. Đứng tại đền, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát một không gian tĩnh mịch, thoáng đạt và yên ả.
Nhằm phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống văn hoá và những chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc, hàng năm cứ vào ngày 20 đến 22-8 (âm lịch), cũng là ngày giỗ của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, Lễ hội đền An Sinh lại được tổ chức. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, trong lễ hội có phần lễ, gồm tế lễ của nhân dân các xã xung quanh khu vực Đền, dâng hương tưởng niệm các vị vua Trần tại Đền và các lăng của vua Trần; phần hội gồm các mục diễn xướng văn hoá, văn nghệ kèm theo đó là các trò chơi dân gian v.v..
Đây cũng là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương cùng hướng về cội nguồn và tham gia vào những hoạt động vui chơi giải trí bổ ích.
Đến khu di tích lịch sử, văn hoá đền An Sinh, du khách sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về các đời vua Trần và cảm nhận được hào khí Đông A và lòng tự hào dân tộc của ông cha ta thuở trước:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
nghĩa là:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thưở vững âu vàng
Vua tôi nhà Trần đã kế thừa và phát huy được lòng dũng cảm mà chất phác, đơn giản mà hiếu nghĩa, viết lên những trang sử vẻ vang cho đất nước, để lại cho con cháu những giá trị tinh thần vô giá, những công trình kiến trúc kiệt tác ngay trên quê hương mình. Đây là nguồn nội lực chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch của Đông Triều và của cả tỉnh Quảng Ninh trước mắt cũng như lâu dài. Chúng ta phải có nghĩa vụ gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ những giá trị tinh thần và vật chất vô giá ấy cho hôm nay và mai sau, làm cho văn hóa thời Trần ở Đông Triều trở thành điểm sáng của cả nước../.

Cổng thông tin Thị xã Đông Triều.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Please publish modules in offcanvas position.